fb-pixel-noscriptChủ nghĩa bảo thủ thế hệ Gen Z đang thay đổi thời trang Trung Quốc | Joolux

Chủ nghĩa bảo thủ thế hệ Gen Z đang thay đổi thời trang Trung Quốc

07/10/2020

Với ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu và chiến tranh lạnh thế kỷ 21, văn hóa Trung Quốc đã dần trở nên hướng nội hơn và đang có những bước chuyển mình đầy thận trọng trên nhiều khía cạnh.

Khi những cuộc thảo luận về quan niệm bình đẳng và chủ nghĩa bảo thủ được dấy lên

Sự sáng tạo trong thiết kế và tự do trong thông điệp của ngành công nghiệp thời trang đang ngày càng bị thu hẹp tại Trung Quốc.
Sự sáng tạo trong thiết kế và tự do trong thông điệp của ngành công nghiệp thời trang đang ngày càng bị thu hẹp tại Trung Quốc.

Bằng cách đàn áp hơn nữa cộng đồng LGBT và các hoạt động nữ quyền, trong khi thúc đẩy các giá trị Nho giáo truyền thống, Trung Quốc thời hậu Covid-19 dường như đã quyết định quay trở lại thời kỳ bảo thủ và ổn định như trước đây. Nhưng những chính sách văn hóa ngày càng nghiêm ngặt này sẽ để lại dấu ấn sâu sắc và lâu dài đối với thế hệ Gen Z của Trung Quốc - nhóm khách hàng sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính cho thời trang và ngành xa xỉ phẩm toàn cầu trong tương lai. Với sự phát triển của chủ nghĩa bảo thủ ở Trung Quốc, thế giới thời trang theo đuổi chủ nghĩa tự do có thể sẽ trải qua những thay đổi sâu sắc trong những năm tới.

Cuộc tranh luận về chủ nghĩa bảo thủ đã bắt đầu trên Weibo, một nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc giống Twitter. Vào cuối tháng 8, một bài đăng của nhà trí thức Zhou Xuan Yi đã được lan truyền rộng rãi trên mạng. Zhou viết, “vinh quang lớn nhất của thế hệ tôi là - lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc - một thế hệ phải yêu cầu thế hệ tiếp theo bớt bảo thủ hơn”. 

Bài đăng ngay sau đó đã truyền cảm hứng cho một loạt bình luận về hiện tượng kỳ lạ trong xu hướng bảo thủ của Gen Zers Trung Quốc. Những cư dân mạng thuộc thế hệ Millennials đã đặt ra các thuật ngữ “trói chân kỹ thuật số”, “vành đai trinh tiết trên mạng” và “cổng vòm trinh tiết được kích hoạt công nghệ” để mô tả sự lạc hậu về tư tưởng của thế hệ Gen Z ở Trung Quốc trong thời kỳ hiện đại hóa đất nước. 

Chủ nghĩa bảo thủ của Gen Z là cách để Trung Quốc không chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây

Cuộc tranh luận là phản ứng trước một loạt vụ bê bối xã hội gần đây ở Trung Quốc. Sau chiến dịch “không lãng phí thực phẩm” của chính phủ, một nhà hàng ở Thiên Tân đã bắt đầu bán thực đơn theo giới tính chỉ định khẩu phần thức ăn lớn hơn cho nam giới. Sau đó, một trường đại học ở Quảng Tây, một tỉnh phía tây nam Trung Quốc, đề nghị các sinh viên nữ “không để lộ nhiều da thịt để không tạo nên sự cám dỗ nào tại nơi công cộng” nhằm đảm bảo an toàn cho sinh viên của mình. Và bây giờ, để chống lại các vụ ly hôn gia tăng và tỷ lệ sinh giảm dần của đất nước, các nhà chức trách đã đưa ra quãng thời gian 1 tháng “hạ nhiệt” áp dụng cho các yêu cầu ly hôn và đề xuất chương trình "đào tạo nhiều hơn về trách nhiệm" cho các cặp vợ chồng mới cưới.

Vào cuối tháng 8, Lễ hội Tự hào Thượng Hải, một dấu ấn của các nhóm tiến bộ của Trung Quốc, đã đưa ra thông báo không tổ chức nữa. Trước sự ngạc nhiên của công chúng, những người ủng hộ quyết định này đa số thuộc thế hệ Gen Z - những người coi việc quay trở lại chủ nghĩa bảo thủ là con đường hướng tới sự tự chủ về văn hóa của Trung Quốc để không chịu ảnh hưởng của nền văn hóa phương Tây.

Lễ Hội Pride (Tự hào) ủng hộ cộng đồng LGBT đã không còn được tổ chức nữa.
Lễ Hội Pride (Tự hào) ủng hộ cộng đồng LGBT đã không còn được tổ chức nữa.

Không giống như thế hệ Millennials, thế hệ Gen Z của Trung Quốc đã lớn lên trong một thời kỳ bùng nổ của ngành công nghiệp xa xỉ phẩm khi lĩnh vực này chính thức phát triển cùng với việc thắt chặt kiểm soát văn hóa. Việc ít tiếp xúc với các phương tiện truyền thông quốc tế, cũng như bị ép buộc tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc, nhiều thanh niên sinh sau năm 2000 có nhiều khả năng coi các giá trị tiến bộ, chẳng hạn như cộng đồng LGBT và quyền của phụ nữ, là sự phản bội văn hóa Trung Quốc.

Thời trang toàn cầu và động thái ủng hộ cộng đồng LGBT và nữ quyền

Đối với thời trang toàn cầu, không gian cho mọi hành động cổ vũ LGBT đang dần giảm đi trong cộng đồng Z. Vào ngày 10/8, thương hiệu đồ trang sức cao cấp của Pháp Cartier đã đăng tải một video trên Weibo với đặc trưng là “chiếc nhẫn Trinity” với một cặp đôi với hình tượng đồng tính. Mặc dù không có đề cập trực tiếp đến mối quan hệ của cặp đôi nhưng hầu hết khán giả đều hiểu hình ảnh này là đại diện cho LGBT. Tuy nhiên, trang cửa hàng Cartier trên sàn thương mại điện tử Tmall lại chú thích hình ảnh “cặp đôi đồng tính” đó là “cha và con”. Chi tiết này cuối cùng đã tạo nên rất nhiều bình luận trực tuyến, hầu hết đều đồng cảm với nỗ lực sáng tạo của thương hiệu trong việc “lách” cơ quan kiểm duyệt của Trung Quốc về nội dung đồng tính.

Khi các bình luận ngày một chồng chất, sự kiện chiến dịch của Cartier đã được một số phương tiện truyền thông nhà nước đưa tin, coi cách chơi chữ đó là thái độ châm biếm, trịch thượng của thương hiệu đối với người Trung Quốc. Vài ngày sau khi phát hành chiến dịch, Cartier đã gỡ bỏ hình ảnh có chú thích "cha và con" khỏi cửa hàng Tmall của mình. Thương hiệu đã không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào thừa nhận cuộc tranh cãi cho đến nay.

Chiến dịch quảng bá nhẫn Trinity của Cartier
Chiến dịch quảng bá nhẫn Trinity của Cartier

Cộng đồng LGBT của Trung Quốc đã im lặng trên diện rộng. Trước đó, bối cảnh thời trang LGBT vốn đang phát triển mạnh vô cùng mạnh mẽ tại đất nước này. Nhưng chỉ sáu tháng sau, hầu hết các ý tưởng thời trang đó lại ​​được cho rằng đã gần như lỗi thời. Ngày 13/8, Lễ hội Pride Thượng Hải - lễ hội tôn vinh cộng đồng LGBT - đã đưa ra tuyên bố chính thức về việc ngừng hoạt động vĩnh viễn nhưng không nêu rõ nguyên nhân. Với tiêu đề "The End Of The Rainbow", tuyên bố trái ngược hẳn với quảng cáo thời trang Pride đầy màu sắc vẫn còn trên trang web.

Tương tự với LGBT, các thông điệp nữ quyền về bình đẳng giới đang phải đối mặt với một cuộc đàn áp gay gắt hơn nữa. Với quan điểm rằng một gia đình truyền thống là nền tảng của một xã hội ổn định, các phương tiện truyền thông chính thống của Trung Quốc đã xem những lời kêu gọi về quyền của phụ nữ và LGBT là “mối đe dọa”. Trong chương trình truyền hình nổi tiếng “Sisters Who Make Waves”, phần trình diễn bài hát của một nhóm nhạc nữ đã bị xóa lời bài hát. Chương trình đã tạo ra phản ứng ngược lại trên mạng xã hội, cư dân mạng giận dữ và bắt đầu truyền tay nhau đoạn clip biểu diễn với đầy đủ lời bài hát được chèn lại. Tuy vậy, chương trình này cũng đã phần nào cho thấy mức độ kiểm soát nghiêm ngặt đến mức đáng báo động của nhà nước đối với các vấn đề nữ quyền.

Một giám đốc kinh doanh phương tiện truyền thông lâu năm tại một đại lý có trụ sở tại Thượng Hải, cho rằng: việc kiểm duyệt phương tiện truyền thông bắt đầu tăng vào khoảng năm 2018 và dường như đạt đỉnh điểm trong thời kỳ hậu Covid-19. Cô chia sẻ: “Áp lực đặt ra buộc các hình thức quảng cáo truyền tải “năng lượng tích cực” đã tăng lên trong năm nay do đại dịch.Hồi 2016, các quảng cáo với thông điệp truyền tải đến những phụ nữ bị bỏ rơi vẫn có thể thực hiện như SKII đã làm thì giờ đây lại không thể. Tôi nghĩ rằng quảng cáo giống vậy sẽ không thể vượt qua kiểm duyệt". 

Quảng cáo của SKII với thông điệp hướng đến những phụ nữ bị bỏ rơi là một trong những đại diện truyền thông đầu tiên được phát sóng ở Trung Quốc, thừa nhận hiện trạng thực tế rằng có những phụ nữ lựa chọn không kết hôn và hoàn toàn hài lòng với quyết định này. Nhưng vào thời điểm mà những tiếng nói chính thống ngày càng cố gắng ép buộc phụ nữ phải kết hôn và có gia đình, thì sự lựa chọn của phụ nữ dường như đang bị thu hẹp lại.

Dấu hiệu của việc hạn chế sự tự do và tiến bộ trong làng thời trang xa xỉ Trung Quốc

Trong khi đó, lòng yêu nước lại được thể hiện rõ nét hơn trong bối cảnh thời trang và ngành xa xỉ phẩm phát triển tại Trung Quốc. Nhà mốt cao cấp của Bỉ - Delvaux - đã ra mắt bộ sưu tập túi xách phiên bản giới hạn có tên “Giấc mộng Trung Hoa”, một thuật ngữ chính trị mô tả đặc điểm dân tộc lý tưởng của một công dân Trung Quốc. Thuật ngữ "Giấc mộng Trung Hoa" từng xuất hiện trong các bài hát kỷ niệm quốc gia, sách giáo khoa, chương trình truyền hình nhà nước và giờ đây đã lan sang những chiếc túi xách sang trọng.

Bộ sưu tập “Giấc mộng Trung Hoa” của Delvaux.
Bộ sưu tập “Giấc mộng Trung Hoa” của Delvaux.

Ngày nay, mạng xã hội được lập trình để thâm nhập vào đời sống người dùng với những thông điệp khuyến khích họ cống hiến hết mình cho gia đình và đất nước, Tạp chí Claire giải thích: “Nó được gọi là ‘năng lượng tích cực’ và giờ đây, mọi chiến dịch có ngân sách lớn đều cần phải sử dụng ‘năng lượng tích cực’ này để vượt qua cửa kiểm duyệt”.

Đối với ngành công nghiệp thời trang toàn cầu, những sự kiện gần đây này có vẻ không có gì là to tát, nhưng cộng đồng thời trang của Trung Quốc đã ngay lập tức nhận ra được bản chất thật sự: đó là những dấu hiệu ban đầu trong tiến trình xóa bỏ các giá trị tự do và sự khẳng định các chuẩn mực giới tính truyền thống. Trong mỗi trường hợp, nhà nước đang xác định lại mối quan hệ của thời trang với khán giả trẻ bằng cách đặt lý tưởng bảo thủ theo chủ nghĩa dân tộc vào trung tâm của xu hướng; đồng thời loại bỏ những thông điệp tiến bộ không liên quan đến xây dựng quốc gia.

Trong hai thập kỷ qua, sự bùng nổ của người tiêu dùng ở Trung Quốc được cho là một phương tiện để tự do hóa văn hóa và xã hội một cách ổn định. Khi nền kinh tế phát triển, nhiều quảng cáo thời trang tuyên truyền thông điệp về sự hòa nhập, bình đẳng giới và cái nhìn tích cực về cơ thể là điều tất yếu. Nhưng trong thời kỳ hậu Covid-19, với ưu tiên hàng đầu là sự ổn định hiện nay, những ý tưởng này đang được làm sáng tỏ. Do đó, thời trang, một lĩnh vực từ lâu đã bao hàm định nghĩa của “tự do”, cần phải áp dụng một phương thức giao tiếp tế nhị hơn, hay thậm chí là trầm lặng hơn, để khẳng định và tiếp tục theo đuổi niềm tin của mình.

Vân Nguyễn (Theo Jing Daily)